Loạt giải pháp mới cho doanh nghiệp ngành du lịch
Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất một loạt giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trước bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19.
Theo Bộ VH-TT-DL, tình hình các doanh nghiệp trong ngành du lịch đang rất khó khăn. Doanh nghiệp vận tải du lịch (ô tô) gần như đóng cửa vì không có khách. 95% doanh nghiệp lữ hành dừng hoạt động, trong đó 10% xin thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, chấm dứt hoạt động.
Công suất phòng của các doanh nghiệp lưu trú, khách sạn, resort tại Hà Nội và TP.HCM chỉ đạt 10%; những địa phương có dịch như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi gần như không có khách (trừ một số khách là chuyên gia, khách cách ly). Các điểm đến là trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng như Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Định, Quảng Ninh… công suất buồng phòng cũng chỉ đạt 3-5%… Hàng loạt cơ sở lưu trú hoạt động cầm chừng, nhân viên phải nghỉ việc.
Làn sóng rao bán khách sạn đang lan rộng ở nhiều địa phương, các công ty phải xoay xở, chuyển hướng kinh doanh nghề khác để duy trì. Có lãnh đạo công ty phải cầm nhà đất của mình để vay vốn ngân hàng nhằm duy trì hoạt động. Nhiều doanh nghiệp du lịch không phát sinh doanh thu nên gần như mất khả năng trả lãi vay ngân hàng. Trong khi các ngân hàng chỉ mới áp dụng việc giảm lãi suất cho vay 1-2% hoặc giãn, lùi thời hạn trả nợ cho khách bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thuộc diện được tái cơ cấu, chưa có chính sách lùi thời gian trả lãi vay.
Do đó, Bộ VH-TT-DL kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét có chính sách lùi thời gian trả lãi suất vay ngân hàng, áp dụng đến tháng 12/2021. Đồng thời, chỉ đạo ngành ngân hàng tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, giãn thời gian trả nợ, khoanh món nợ, khoanh tiền lãi vay và không tính lãi vay quá hạn…
Bộ VH-TT-DL cũng kiến nghị Chính phủ xem xét giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 5% trong năm 2020-2021 bởi chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp gần như không có tác dụng đối với doanh nghiệp trong ngành du lịch. Ngoài ra, các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, như gói 62.000 tỷ đồng cũng cần được tạo thuận lợi hơn về điều kiện, thủ tục để dễ tiếp cận…
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp du lịch, một nỗi lo khác bên cạnh những khó khăn về tài chính, nguồn nhân lực và thị trường là sức mua giảm sút, nhu cầu của người dân với du lịch không cao. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị cần thêm các chính sách hỗ trợ kích thích nhu cầu tiêu dùng, tăng cường công tác truyền thông để người dân yên tâm, an toàn khi đi du lịch.
Một tín hiệu tích cực khác là dù các đường bay thương mại quốc tế được khai thác trở lại, chưa áp dụng với khách du lịch nhưng cũng là bước đầu khả quan. Nhiều doanh nghiệp lữ hành cho biết ngay khi có chỉ đạo của Chính phủ cho phép nối lại một số đường bay thương mại quốc tế, họ đã chuẩn bị một số sản phẩm đối với các tuyến tour từ Việt Nam đi Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác. Các bộ phận kinh doanh, điều hành của doanh nghiệp vẫn kết nối liên tục với đối tác ở nước ngoài để cập nhật thông tin, thị trường, sản phẩm…