Kế toán môi trường tại các doanh nghiệp và một số đề xuất

Bài viết này đánh giá khái quát về vai trò, sự cần thiết của kế toán môi trường trong doanh nghiệp; vướng mắc trong áp dụng kế toán môi trường tại doanh nghiệp và gợi mở một số đề xuất phát triển hoạt động này trong thời gian tới…

Kế toán môi trường trong doanh nghiệp

Theo quan điểm của Ủy ban Phát triển bền vững, Liên Hợp Quốc (UNDSD), kế toán môi trường là việc nhận diện, thu thập, phân tích và sử dụng hai loại thông tin phục vụ ra quyết định nội bộ, bao gồm: Thông tin cơ học (phi tiền tệ) về tình hình sử dụng, luân chuyển và thải bỏ năng lượng, nước và các loại nguyên vật liệu (bao gồm cả chất thải); Thông tin tiền tệ về chi phí, thu nhập và khả năng tiết kiệm liên quan đến môi trường. Liên đoàn Kế toán Quốc tế (IFAC, 2005) định nghĩa: Kế toán môi trường là quản lý hoạt động kinh tế và môi trường thông qua việc triển khai, thực hiện hệ thống kế toán và hoạt động thực tiễn phù hợp có liên quan đến vấn đề môi trường.

Kế toán môi trường hướng tới sự phát triển bền vững, duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cộng đồng và theo đuổi các hoạt động bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động bình thường, xác định lợi ích từ các hoạt động, cung cấp cách thức định lượng và hỗ trợ công bố thông tin.

Kế toán môi trường là một bộ phận của kế toán trong doanh nghiệp (DN), liên quan đến các thông tin về hoạt động môi trường trong phạm vi DN nhằm thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin về môi trường cho đối tượng trong và ngoài DN sử dụng để ra quyết định. Khác với kế toán truyền thống, kế toán môi trường quan tâm rõ ràng tới tác động môi trường do hoạt động của DN gây ra.

Kế toán môi trường có hai chức năng cơ bản đó là phục vụ cho quản trị nội bộ và báo cáo ra bên ngoài. Thực hiện chức năng này kế toán môi trường có ảnh hưởng đáng kể tới quyết định của người sử dụng thông tin kế toán ngoài DN như: Khách hàng, nhà đầu tư, chính quyền, dân chúng địa phương… Hơn nữa, kế toán môi trường nhằm mục tiêu đạt tới sự phát triển bền vững, duy trì quan hệ tốt đẹp tới cộng đồng, nâng cao hiệu quả các hoạt động bảo vệ môi trường.

Các phương pháp của kế toán môi trường cho phép DN nhận dạng chi phí môi trường, nhận diện các khoản thu nhập, chi phí và cung cấp các cách thức hợp lý nhất cho đo lường các chỉ tiêu (tiền tệ và hiện vật) và hỗ trợ cho các báo cáo kết quả về môi trường. Vì thế, kế toán môi trường được sử dụng như là một hệ thống thông tin về môi trường nhằm phục vụ cho các đối tượng trong và ngoài DN. Kế toán môi trường đem lại nhiều lợi ích không chỉ cho bản thân DN mà còn góp phần bảo vệ môi trường cho xã hội, con người, giúp nền kinh tế phát triển bền vững.